Lễ Tết thanh minh năm 2023 là ngày nào?
Lễ Tết thanh minh năm 2023 là ngày nào?
Tết Thanh Minh mặc dù không phải là ngày lễ Tết lớn trong năm nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Vậy ngày Tết Thanh Minh có ý nghĩa như thế nào và nhằm vào ngày nào dương lịch năm nay? Hãy cùng Đồ Cúng Tâm Linh tìm hiểu nhé!
Tết Thanh Minh là một ngày lễ Tết thể hiện “Đạo lý uống nước nhớ nguồn”, lòng thành kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. Mang đậm nét thiêng liêng phong tục truyền thống in sâu trong mỗi người dân Việt Nam vào ngày này những người con xa quê đều sắp xếp về tảo mộ tổ tiên mình.
Vậy Tết Thanh Minh có ý nghĩa, nguồn gốc như thế nào? Và năm nay Tết Thanh Minh nhằm vào ngày nào dương lịch? Hãy cùng Đồ Cúng Tâm Linh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Vào ngày lễ này con cháu cùng nhau kéo về thăm mộ của tổ tiên
Ngày lễ Tết Thanh Minh không có ngày cố định thời gian bắt đầu từ ngày 4-5/4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu Tiết Cốc Vũ). Vào ngày lễ này con cháu cùng nhau kéo về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng cho tổ tiên mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an.
Năm 2023 Tết Thanh Minh rơi vào thứ ba ngày mùng 5/4/2023 (ngày 15/2/2023 nhằm Ngày Quý Tỵ, tháng Ất Mão, năm Quý Mão).
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, Tiết thanh minh là 1 trong 24 tiết khí. Tiết khí này được lập lịch theo quan niệm của các quốc gia phương Đông.
Về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sửa. Tiết thanh minh nghĩa là khi trời mát mẻ quang đãng. Tiết thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí, bắt đầu sau ngày Lập Xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày.
Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, và ngày đầu tiên được gọi là Tết thanh minh. Vào năm 2023, Tết thanh minh sẽ nhằm ngày 5/4 Dương lịch (15/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.
Ngoài Tết thanh minh, vào những ngày đầu năm tháng 3 còn có Hội Đạp Thanh hay còn gọi là hội giẫm cỏ. Đây là lễ hội cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc trong dịp này, nam nữ sắm sửa cho mình quần áo đẹp để cùng đi chơi xuân. Hiện nay ở Việt Nam không còn lưu truyền lễ hội này nữa nhưng vẫn chúng ta vẫn có thể biết được lễ hội này qua đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
"Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân,
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm"
Đối với người Việt Nam, Tết Thanh Minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên. Dù đi xa làm ăn thì vào ngày này gia đình cùng tụ họp đi tảo mộ sau đó về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ sạch sẽ tươm tất như thay con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên.
Trong dịp Tết Thanh Minh các khu nghĩa trang thường trở nên đông đúc tấp nập thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam. Dạy con cháu nên biết yêu thương hiếu thảo trân trọng ba mẹ ông bà khi còn sống chứ không phải chờ đến khi họ mất mới tỏ lòng thành kính của mình.
Theo TS.KTS Vũ Thế Khanh, mặc dù Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực có những năm bị trùng ngày với nhau, tuy nhiên, 2 ngày này thực chất có ý nghĩa và nguồn gốc hoàn toàn khác nhau.
Tết Thanh Minh là ngày đầu trong tiết thanh minh, là 1 trong 24 tiết khí mỗi năm, kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, từ ngày 4 - 5/4 cho đến ngày 20 - 21/4 hàng năm.
Trong khi đó, Tết Hàn Thực xuất phát từ một điển tích cổ ở Trung Quốc với ý nghĩa tưởng nhớ của vua Tấn Văn Công đến Giới Tử Thôi. Tết Hàn Thực kéo dài từ 3/3 - 5/3 Âm lịch hàng năm.
Làm gì trong Tết Thanh Minh
Đối với người Việt Nam ngày Tết Thanh Minh là ngày để con cháu tưởng nhớ hướng về tổ tiên nguồn cội mình. Con cháu sẽ chuẩn bị lễ vật và thắp hương trước mộ của người đã khuất, sau đó sẽ tiến hành dọn dẹp mộ phần mong tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an. Sau khi tảo mộ các thành viên cùng nhau về nhà lập mâm cơm dâng lên bàn thờ gia tiên và cùng nhau ăn uống sum vầy, trò chuyện bên nhau gắn kết tình nghĩa huyết thống trong gia đình mình.
Trong ngày này ngoài việc tảo mộ thì tục cúng hay chuẩn bị mâm cỗ cũng là một phần quan trọng được nhiều người coi trọng. Mọi người trong gia đình sẽ đi chợ mua đồ để chuẩn bị mâm cúng, tùy theo phong tục và địa phương mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là một mâm cơm bình thường để mời cơm ông bà tổ tiên cùng nhau ăn uống sum vầy chứ không khoa trương hay mở yến tiệc linh đình.
Sắm lễ Tiết Thanh Minh
Sắm lễ thường gồm: Thịt, gà, rượu, giò chả.
+ Mâm cơm cúng đầy đủ gồm xôi, gà, canh măng, miến xào.
+ Hương, hoa, đèn, trầu cau, tiền vàng, hoa quả.
Khi làm lễ tảo mộ ở ngay ngoài mộ phần gia chủ tiến hành sắp xếp đồ cúng, lưu ý hoa quả, tiền vàng được đặt chung, nhưng lễ mặn thì đặt riêng. Sau đó thắp nhang, đèn, chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén, kiêng kỵ cắm 2 nén và vái 3 lần để tỏ lòng thành với quan thổ công thổ địa rồi mới mời gia tiên trở về và bắt đầu đọc bài khấn vái cho tiết thanh minh.
Đợi hương tàn, mọi người tiến hành ra khu lăng mộ của gia đình thắp hương và xin phép ông bà cho mình được dọn dẹp. Lễ cúng hoàn tất, mọi người dọn dẹp, sửa sang. Khi tuần hương được 2/3 lúc này mọi người có thể tạ lễ, hóa vàng, xin lộc và ra về.
Cúng lễ tiết thanh minh tại nhà cần lưu ý những điều sau:
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là bàn thờ gia tiên.
Chuẩn bị mâm cỗ sẵn ở nhà để tiến hành cúng sau khi đã thanh minh tại mộ.
Thắp hương khấn vái tương tự như các tục cúng khác. Cần thành tâm và giữ thái độ trang trọng khi làm lễ để thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.
Những điều cần lưu ý trong Tết Thanh Minh
Khi đi tảo mộ vào ngày Tết Thanh Minh có những điều lưu ý bạn cần phải biết để tránh gặp xui xẻo như:
Khi đi ngang mộ phần người khác không nên giẫm đạp cùng như đá đồ cúng của người khác điều này sẽ mang đến vận xui cho bạn, nhất là trẻ nhỏ, thanh niên cần lưu ý.
Đối với phụ nữ đang trong kỳ hành kinh, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn thấp khớp thì không nên đi tảo mộ vì khí lạnh, năng lượng xấu ở đây.
Bởi vì tảo mộ là khoảng thời gian gia đình tụ tập lại với nhau nên thường chụp ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên điều này không được khuyến khích tại khu vực nghĩa trang nên hạn chế chụp ảnh tại đây.
Khi dọn dẹp mộ phần nên dọn sạch sẽ trước sau cũng như kiểm tra tình trạng mộ để tránh chuột rắn rết bò vào bên trong.
Không nên bàn tán chỉ trỏ vào mộ người khác để tránh mang xui xẻo đến cho mình cũng như đây là việc bày tỏ sự tôn trọng với người đã mất.
Sắm lễ tảo mộ Tiết Thanh minh thường bao gồm: Hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu thịt (chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc), hoa quả.
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con Kính lạy Hương linh………………(Hiển khảo, Hiển tỷ hoặc Tổ Khảo………….
Hôm nay là ngày.………….
Nhân tiết:………………………….
Tín chủ (chúng) con ……………………………
Ngụ tại:…………………….
Chúng con và toàn thể gia đình con cháu, nhờ công ơn võng cực, nền đức cao dầy, gây dựng cơ nghiệp của………….. chạnh lòng nghĩ đến âm phần ở nơi hoang vắng, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước mộ, kính mời chân linh…………............lai lâm hiến hưởng.
Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái. Con cháu chúng con xin vì chân linh..……..Phát nguyện tích đức tu nhân, làm duyên, làm phúc cúng dâng Tin Bảo, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hướng về Tiên Tổ.
Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hờ tươi tốt, cháu con vinh hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám.
Sau khi khấn xong, đợi hết 2/3 tuần hương, lúc này mọi người tiến hành đi tạ lễ, hóa vàng, xin lộc và trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.
Tùy theo mỗi gia đình, có thể làm mâm cơm cúng với đầy đủ xôi, gà luộc, hoặc giò, canh măng, miến, thêm đĩa xào,.. hoặc chỉ thắp hương bình thường với hoa quả tươi, trà tàu, thuốc lá… để thông báo với gia tiền tiền tổ, ông bài,… đã khuất về ngày Thanh Minh.
Gia chủ sửa sang quần áo nghiêm túc, đứng trước hương án, thắp hương, đốt đèn, sau đó khấn:
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con lạy gia tiên tiền tổ, họ hàng nội ngoại hai bên gia tộc họ…
Con lạy bà tổ cô ông mãnh, ông bà, cô bé Đỏ, cậu bé Đỏ tại gia
Hôm nay là ngày... tháng... năm...
Nay con giữ việc phụng thờ tên là..., tuổi…, sinh tại xã..., huyện..., tỉnh... cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.
Kính mời thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.
Kính dâng lễ bạc: trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp tiết Thanh Minh, kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.
Con thành tâm thành kính cúi xin gia tiên tiền tổ, bà tổ cô ông mãnh, ông bà… phù hộ độ trì, đề tâm xếp nếp, vuốt ve che chở cho đại gia đình con bình an, thịnh vượng, ba tháng mùa hè chín tháng mùa đông đều mát mẻ, tốt tươi. Điều lành mang lại, điều dữ mang đi cho công việc của gia đình con đều thuận buồn xuôi gió, gặp nhiều may mắn.
Chúng con kính dâng lễ bạc tâm thành, cúi xin gia tiên chứng minh chứng giám cho lòng thành của toàn thể gia quyến.
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Hy vọng qua bài viết bạn sẽ biết thêm nhiều hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Tết Thanh Minh để cùng gia đình đi tảo mộ tưởng nhớ tổ tiên của mình.